Cử hành Lễ Thánh gia CN 29122024 theo chiều hướng Hôn nhân Mầu nhiệm cao cả
- Ơn gọi hiệp thông và Hạnh phúc là viên mãn yêu thương

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
"Hôn nhân Mầu Nhiệm cao cả - Ơn gọi hiệp thông"
Chúa Nhật sau Đại Lễ Giáng Sinh là Lễ Thánh Gia. Năm 2024 Lễ Thánh Gia được Giáo Hội cử hành vào Chúa Nhật ngày 29/12.
Chưa bao giờ cơ cấu và đời sống hôn nhân gia đình bị khủng hoảng bởi hôn nhân pro choice hơn là một ơn gọi và băng hoại bởi tình yêu nhục dục hưởng thụ hơn phục vụ, 
như vào chính lúc thế giới càng văn minh về kỹ thuật và vật chất cũng như càng văn hóa về nhân bản và nhân quyền hơn bao giờ hết hiện nay.
Bởi vậy, để cùng với Giáo Hội mừng Lễ Thánh Gia, cử hành Mầu Nhiệm Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể... đã khôn lớn cùng vâng lời cha mẹ trần gian của mình,
và với tất cả ý thức rằng "Hôn nhân Mầu Nhiệm cao cả - Ơn gọi hiệp thông" theo gương mẫu lý tưởng của Thánh Gia, để nhờ đó gia đình Kitô hữu được trở thành một Giáo Hội tại gia, 
đúng với ý nghĩa là "mầu nhiệm cao cả liên quan đến Chúa Kitô và Giáo Hội" (Epheso 5:32), xin mời quý vị theo dõi bài chia sẻ ở đường kết nối livestream trực tuyến sau đây:

https://youtube.com/live/0OU5JXE-orw

Hạnh phúc là viên mãn yêu thương. 

Thật vậy, làm người ai cũng mong muốn được hạnh phúc, nhất là trong đời sống hôn nhân gia đình. Thế nhưng, thực tế phũ phàng cho thấy hạnh phúc không phải là được mọi sự như ý, là những gì bất khả đạt đối vói loài tạo vật hữu hình và hữu hạn dù có tự do, trái lại hạnh phúc là phải biết vượt qua mọi trái ý và làm chủ mọi nghịch lý trong cuộc đời của bản thân mình.
Một gia đình toàn là những vị đại Thánh như Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu mà còn không thể nào tránh được những gì là thử thách và trái ý gây đau thương cho nhau, như giữa Thánh Giuse và Đức Maria (Mathêu 1:18-19), hoặc cho cả gia đình 3 Đấng phải gấp rút trốn chạy sang Ai cập (Mathêu 2:13-14), hay giữa Thiếu Nhi Giêsu và cha mẹ của Người (Luca 2:41-50), và khi Đức Maria chứng kiến cái chết của Người Con Chí tôn Chí Ái của mình trên Đồi Canvê (Gioan 19:25-30). Thế nhưng Thánh Gia vẫn là Gia đình hạnh phúc nhất trên trần gian này, ở chỗ các Đấng hằng Yêu thương nhau một cách trọn hảo. 
Nếu quả thực hạnh phúc là viên mãn yêu thương như thế, thì cần phải ý thức được chính xác ý nghĩa và bản chất đích thực của yêu thương để sống nữa mới có hạnh phúc in full, trọn vẹn. Vậy yêu thương là gì nếu không phải là sống hiệp thông, vì tình yêu chính là sự sống hiệp thông, như chính "Thiên Chúa là Tình yêu" (1Gioan 4:8), là Thực tại Hiệp thông Thần Linh giữa Ba Ngôi Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần. 
Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa (STK 1:26): trước hết con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa ở chỗ con người là một cá thể độc nhất vô nhị trên thế gian này, như Thiên Chúa duy nhất. Sau nữa con người được dựng nên tương tự như Thiên Chúa ở chỗ hiệp thông. Chính ở chỗ hiệp thông này mà con người được ban cho khả năng để yêu thương đó là tự do, và chính vì thế con người mới được dựng nên có nam có nữ (STK 1:27) để hiệp thông nên một thân mình (STK 2:26-27) bằng tình yêu trọn hảo và viên mãn của mình, nhờ đó tình yêu hiệp thông con người ấy, loài tạo vật duy nhất trong tất cả mọi tạo vật hữu hình và vô hình đã được "dựng nên theo hình ảnh của Chúng Ta" (STK 1:26), Vị Thiên Chúa duy nhất, Vị "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16), một Thực tại Hiệp thông Thần Linh 3 Ngôi Chí Thánh: Thánh, Thánh, Thánh!
Nhân dịp Lễ Thánh Gia 29.12.2024 ngay đầu Năm Thánh 2025, xin mời quý Vị theo dõi bài chia sẻ trực tuyến về đề tài "Hạnh phúc là viên mãn yêu thương" ở đường kết nối livestream sau đây:


TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh


Thiên Chúa hóa thân làm người: Có thật hay chăng? - Thánh gia: Giòng máu Do Thái!

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,

Thật hay chăng Thiên Chúa đã hóa thân Làm Người? 
Mầu Nhiệm Thiên Chúa hóa thân Làm người là một sự thật, một sự kiện lịch sử, chứ không phải là một fake new, một thứ thuyết âm mưu hay một câu chuyện thần thoại hoang đường...

Thật vậy, Thánh sử Luca đã cho hậu sinh chúng ta thấy được bối cảnh lịch sử Giáng Sinh của Vị Thiên Chúa Làm Người này, bao gồm cả thời điểm lẫn địa điểm. 
Về thời điểm: vào "thời hoàng đế Augusto ra chiếu chỉ kiểm tra dân số... thời Quirinio làm Tổng trấn xứ  Syria" (2:1). 
Về địa điểm ở: "Thành vua David tức là Belem, miền Giudea" (2:4).

Vì là một Con Người thật mà Vị Thiên Chúa Làm Người này mới cần phải qua ngưỡng cửa gia đình, mới được sinh ra trong bối cảnh lịch sử ấy, cũng được Thánh sử Luca cho biết như sau: 
"Giuse đến Belem cùng với người đã đính hôn với mình là Maria đang có thai... đã tới ngày sinh... người con trai đầu lòng... nằm trong máng cỏ" (2:5-7).

Vì là một Con Người thật, có cha có mẹ trần gian mà Vị Thiên Chúa Làm Người đã có một gia phả có thể nói không ai trong loài người có được như Ngài. 
Vì Vị Thiên Chúa Làm Người này mặc lấy nhân tính chung của loài người mà gia phả của Người được Thánh sử Luca liệt kê từ Người trở về nguồn nguyên tổ Adong. 
Tuy nhiên, bản tính loài người được Vị Thiên Chúa Làm Người mặc lấy đó lại mang giòng máu Do Thái, 
nên gia phả của Ngài được Thánh sử Mathêu liệt kê từ Abraham là tổ phụ của dân Do Thái cho tới Giuse là người cha trần thế của Ngài. 

Và chính vì Vị Thiên Chúa Làm Người này đã được hạ sinh bởi giòng máu Do Thái mà nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét, dù đã được chính Mose tiên báo (xem Đệ Nhị Luật 18:15-19),  
vẫn bị dân Do Thái chối bỏ cho tới tận bây giờ, thời điểm 1/4 thế kỷ 21 và đầu thiên kỷ 3 của Ki-tô giáo. Và cũng nhờ chính sự kiện dân Do Thái chối bỏ nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét này 
lại càng là một chứng cớ hùng hồn cho thấy nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét này là có thật, một nhân vật là Đấng Thiên Sai của họ, nhưng đã bị họ lên án tử và sát hại bằng quyền lực của Đế quốc Roma,
vào thời Philatô làm tổng trấn xứ Giuđêa, Hêrôđê là quận vương xứ Galilêa, và Caipha làm Thượng tế (xem Luca 3:1-2).

Bởi vậy cùng với Giáo Hội cử hành Lễ Thánh Gia, cử hành Mầu Nhiệm Emmanuel, Vị Thiên Chúa Làm Người trước hết và trên hết ở nơi Thánh Gia, một Thánh Gia mà nếu không có Ngài là "Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể..." (Gioan 1:14), "được bọc trong khăn nằm trong máng cỏ" (Luca 2:12)... "càng thêm tuổi càng trở nên khôn ngoan và Ơn nghĩa Chúa" (Luca 2:52), cũng chẳng bao giờ có Thánh Gia. 

Bởi thế, trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh và Mùa Giáng Sinh, chúng ta vẫn cần phải tiếp tục chiêm ngưỡng Mầu Nhiệm Emmanuel Vị Thiên Chúa Làm Người ở với chúng ta nơi Thánh Gia, 
để bản thân mỗi người chúng ta có thể tiếp tục hoan hưởng niềm vui Emmanuel, và gia đình chúng ta nhờ đó cũng được trở thành một Giáo Hội Tại Gia, một Thánh Gia hiện đại.
xin mời quý AC theo dõi bài chia sẻ trực tuyến ở đường kết nối  livestream sau đây: https://youtube.com/live/EQn51Y3UwzQ

TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh

Emmanuel Giáng Sinh 

Nếu Đại Lễ Phục Sinh được bắt đầu vào Lễ Vọng Phục Sinh cũng là Lễ Đêm Phục Sinh, thì Đại Lễ Giáng Sinh cũng chính thức được bắt đầu với Lễ Đêm Giáng Sinh, thời điểm vừa kết thúc Tuần Bát Nhật trước Đại Lễ Giáng Sinh đồng thời cũng bắt đầu Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, từ chính Đại Lễ Đêm Giáng Sinh kéo dài tới hết Lễ Mẹ Thiên Chúa 1/1, thời điểm mở đầu cho một năm mới. 

Nếu Đại Lễ Phục Sinh, ngoài Lễ Vọng Phục Sinh hay Lễ Đêm Phục Sinh còn có Lễ Sáng và Lễ Chiều, mỗi lễ đều có một bài Phúc Âm thích hợp cho từng thời điểm trong ngày của lễ, thì Đại Lễ Giáng Sinh, ngoài Lễ Đêm Giáng Sinh, cũng có Lễ Rạng Đông và Lễ Ban Ngày nữa.

Nếu Tuần Bát Nhật Phục Sinh từ chính Đại Lễ Phục Sinh, hay từ Lễ Vọng cũng là Lễ Đêm Phục Sinh, có chung một chủ đề "Thày là sự sống lại" (Gioan 11:25), thì Tuần Bát Nhật Giáng Sinh từ chính Đại Lễ Giáng Sinh, hay từ Lễ Đêm Giáng Sinh, cũng có chung một chủ đề "Lời... ở cùng chúng ta" (Gioan 1:14).

Nếu cả Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh có chủ đề "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), và chung Mùa Vọng đã theo chủ đề "Lời đã hóa thành nhục thể" thì chung Mùa Giáng Sinh (thậm chí kéo dài hết Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh, từ 5 đến 9 tuần), bắt đầu từ Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, phụng vụ lời Chúa sẽ theo chủ đề "Lời ... ở cùng chúng ta". 

Thật vậy, phụng vụ Lời Chúa, bao gồm cả các Bài Đọc 1 và 2, nhất là các Bài Phúc Âm, của các Lễ Nửa Đêm, Lễ Rạng Đông và Lễ Ban Ngày, đều nói lên chủ đề "Lời ... ở giữa chúng ta", Đấng đã được chung phụng vụ Lời Chúa và riêng các Bài Phúc Âm trong Tuần Bát Nhật trước Giáng Sinh đã nói đến.

Trước hết, ở các bài Phúc Âm cho các Lễ của Đại Lễ Giáng Sinh này, chủ đề "Lời... ở cùng chúng ta" được trình thuật lại thứ tự như sau. 

Trong bài Phúc Âm Lễ Nửa Đêm: "Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán".

Trong bài Phúc Âm Lễ Rạng Đông: "Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: 'Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết'. Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ".

Trong bài Phúc Âm Lễ Ban Ngày: "Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý".

Sau nữa, ở các Bài Đọc 1cho các Lễ của Đại Lễ Giáng Sinh này, chủ đề "Lời... ở cùng chúng ta" được trình thuật lại thứ tự như sau. 

Trong Bài Đọc 1 Lễ Nửa Đêm: "Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là 'Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình'. Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Ðavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó".

Trong Bài Đọc 1 Lễ Rạng Đông: "Này đây Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến. Người đem theo phần thưởng với Người và sự nghiệp trước mặt Người. Những người được Chúa cứu chuộc, người ta sẽ gọi họ là dân thánh. Còn ngươi, ngươi sẽ được gọi là thành quý chuộng, thành không bị bỏ rơi".

Trong Bài Đọc 1 Lễ Ban Ngày: "Chính mắt họ sẽ nhìn xem, khi Chúa đem Sion trở về. Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng, hãy cùng nhau ca ngợi! Vì Chúa đã an ủi dân Người, đã cứu chuộc Giêru-salem. Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta".

Sau hết, ở các Bài Đọc 2cho các Lễ của Đại Lễ Giáng Sinh này, chủ đề "Lời... ở cùng chúng ta" được trình thuật lại thứ tự như sau. 

Trong Bài Đọc 2 Lễ Nửa Đêm: "Ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người..."

Trong Bài Đọc 2 Lễ Rạng Đông: "Ðấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người..."

Trong Bài Đọc 2 Lễ Ban Ngày: "Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ".

So với Bài Phúc Âm của từng thời điểm Lễ Giáng Sinh (Nửa Đêm, Rạng Đông và Ban Ngày) thì Bài Đọc 1 và Bài Đọc 2 không rõ nét cho lắm về chủ đề "Lời... ở cùng chúng ta". Vì hai Bài Đọc 1 và Bài Đọc 2 được Giáo Hội chọn đọc hợp với Bài Phúc Âm của từng Lễ, cũng như Bài Đáp Ca ngay sau Bài Đọc 1 thường được Giáo Hội chọn đọc hợp với nội dung của Bài Đọc 1 hơn Bài Đọc 2 và hơn cả Bài Phúc Âm.

Tuy nhiên, phụng vụ Lời Chúa được Giáo Hội chọn đọc cho từng thời điểm của Lễ Giáng Sinh lại rất ăn khớp với nhau, và phụng vụ Lời Chúa của cả 3 thời điểm của Lễ Giáng Sinh cũng hết sức mật thiết liên hệ với nhau.

Trước hết là phụng vụ Lời Chúa Thánh Lễ Giáng Sinh Nửa Đêm: "Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta" (Bài Đọc 1), đó là "Ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người..." (Bài Đọc 2), dưới hình thù của "con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ" (Bài Phúc Âm).

Sau nữa là phụng vụ Lời Chúa Thánh Lễ Giáng Sinh Rạng Đông: "Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến" (Bài Đọc 1), vì Người là "Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người" (Bài Đọc 2), và Người đến để "tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người" ra cho chúng ta thấynhư một "Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ" (Bài Phúc Âm).

Sau hết là phụng vụ Lời Chúa Thánh Lễ Giáng Sinh Ban Ngày: "Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Ngài trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta" (Bài Đọc 1), chứ không phải chỉ riêng dân Do Thái, bằng cách, "trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ" (Bài Đọc 2),Người Con này chính là "Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể" (Bài Phúc Âm)Đấng mà "mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không lấn át được sự sáng" (Bài Phúc Âm).

Cuối cùng, căn cứ vào phụng vụ Lời Chúa của từng lễ, phụng vụ Lời Chúa ở cả 3 thời điểm Nửa Đêm, Rạng Đông và Ban Ngày của Lễ Giáng Sinh cũng có một liên hệ chặt chẽ với nhau như thế này: "Ơn cứu độ xuất phát từ những người Do Thái" (Gioan 4:22), theo ý nghĩa phụng vụ Lời Chúa Lễ Nửa Đêm và Lễ Rạng Đông, nhưng lại là một ơn cứu độ phổ quát cho chung nhân loại và toàn thể vũ trụ, như ý nghĩa của phụng vụ Lời Chúa Lễ Ban Ngày. Đó là lý do diễn tiến của 3 Bài Phúc Âm từ dân Do Thái tới dân ngoại như sau:  

Ở bài Phúc Âm Lễ Đêm biến cố "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14) xẩy ra ở Do Thái: bao gồm thời gian (thời Hoàng Đế Rôma Cêsa Augustô đang cai trị cả dân Do Thái), đến không gian (tại quê quán của Vua Đavít là Bêlem Xứ Giuđêa) cũng như đến nhân gian (là các mục đồng canh đêm được Thiên Thần báo tin).  

Ở bài Phúc Âm Lễ Rạng Đông, biến cố Giáng Sinh bắt đầu tỏ rạng hơn nữa, nhờ thành phần chứng nhân Do Thái mục đồng: "Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ... Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ" cho dân chúng quanh vùng. 

Ở bài Phúc Âm Lễ Ban Ngày, biến cố Giáng Sinh trở thành phổ quát rạng ngời sáng tỏ như ban ngày: "Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không át được sự sáng... Ánh sáng thật sáng soi mọi người đã đến trong thế gian".

Chiều hướng Ơn Cứu Độ xuất phát từ dân Do Thái đến toàn thế giới và vũ trụ theo phụng vụ Lời Chúa của 3 thời điểm cử hành Lễ Giáng Sinh đều được phản ảnh hết sức rõ ràng nơi chung 3 Bài Đáp Ca và riêng 3 câu đáp: 

"Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta, Người là Ðức Kitô, Chúa chúng ta (Lc 2, 11)" (Lễ Nửa Đêm), "Hôm nay sự sáng chiếu giãi trên chúng ta, và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta" (Lễ Rạng Đông), "Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta" (Lễ Ban Ngày).


Hai câu Đáp Ca tiêu biểu nhất cho chiều hướng Ơn Cứu Độ phổ quát đã xuất phát từ dân Do Thái theo phụng vụ Lời Chúa cho 3 thời điểm khác nhau của cùng một Đại Lễ Giáng Sinh đã thực sự được tóm gọn trong câu thứ 2 và thứ 3 của Bài Đáp Ca Lễ Ban Ngày như sau:

"Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel" (câu 2)

"Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!" (câu 3).

Là Kitô hữu, chúng ta đã thực sự lãnh nhận Ơn Cứu Độ bởi Mẹ Giáo Hội nơi Phép Rửa thánh tẩy tái sinh, chúng ta đã sống Ơn Cứu Độ này như thế nào? 

Kitô hữu chúng ta có cảm thấy niềm vui vì mình đã được cứu độ hay chăng, có cảm thấy niềm vui vì mình đã được Thiên Chúa đoái thương cứu độ nơi Con của Ngài hay chăng??

Nếu chưa thì tại sao: bởi chưa thấy được tất cả ý nghĩa thiết yếu và giá trị vô cùng cao quí của Ơn Cứu Độ, hay bởi chưa cảm nghiệm được tất cả hay phần nào tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa đối với chung nhân loại cũng như đối với từng người chúng ta???

Nếu rồi thì Kitô hữu chúng ta, nhờ được gặp gỡ Chúa Kitô nơi Phép Rửa, nơi Bí Tích Hòa Giải, nơi Bí Tích Thánh Thể, nơi cảm nghiệm thần linh trong cuộc đời của mình, bằng một đời sống nội tâm như Mẹ Maria trong Bài Phúc Âm Lễ Rạng Đông: "ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng", mà nhờ cuộc gặp gỡ thần linh này bản thân của chúng ta được biến đổi, đến độ chúng ta không thể nào không loan báo Tin Mừng Giáng Sinh như các mục đồng trong Bài Phúc Âm cũng của Lễ Rạng Đông: "tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy" hay chăng? 

Thế nhưng làm sao để có được cảm nghiệm thần linh "Emmanuel - Thiên Chúa ở giữa chúng ta" (Mathêu 1:23; xem Gioan 1:14)? 

Nếu Thiên Chúa là Đấng đã biết rằng loài người tạo vật vô cùng thấp hèn chúng ta không thể nào tự mình lên trời để biết được Ngài là ai và như thế nào, nhờ đó chúng ta có thể được hiệp thông thần linh với Ngài đúng như ý định tạo dựng của Ngài đối với chúng ta, nên Ngài đã phải hạ giáng xuống với chúng ta nơi Lời Nhập Thể của Ngài, Đấng "tỏ Cha ra" (Gioan 1;18), thì loài người chúng ta không cần phải vươn mình lên trời để tìm Ngài nữa, mà là cần phải hạ mình xuống, "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" (Mathêu 18:3), mới có thể gặp được Ngài nơi Con Người Giêsu Kitô, "một con trẻ được bọc trong khăn và nằm trong máng cỏ", như được cho thấy trong bài Phúc Âm lễ Rạng Đông.

Thật vậy, Thiên Chúa nơi Lời Nhập Thể đã hạ giáng làm người nghèo khổ, chúng ta không thể gặp Ngài nơi giầu sang phú quí! Thiên Chúa nơi Lời Nhập Thể đã hạ giáng làm người tuân phục, chúng ta không thể nào gặp Ngài nơi kiêu căng tự ái!! Thiên Chúa nơi Lời Nhập Thể đã hạ giáng làm người phục vụ, chúng ta không thể nào gặp Ngài nơi hưởng thụ vị kỷ!!! 

Tại sao Thiên Chúa lại yêu thương loài người vô cùng thấp hèn và tội lỗi chúng ta, từ hư vô mà có, chẳng là gì trước nhan Thiên Chúa vô cùng cao cả và thiện hảo như thế và đến thế, nếu không phải chỉ vì Ngài yêu thương chúng ta một cách nhưng không và vô cùng nhân hậu hay sao? 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có được một cảm nghiệm rất chính xác rằng: "Giáng Sinh thật sự là lễ của tình thương vô cùng của Thiên Chúa" (Huấn Từ Chúc Mừng Giáng Sinh Giáo Triều Rôma, Thứ Hai 21/12/2015, và ngài đã chứng minh cảm nghiệm này của mình bằng trích dẫn lời của một vị Giáo Phụ dưới đây:) 

"Còn tình thương nào cao cả lớn lao được tỏ ra cho những con người bất hạnh chúng ta hơn tình thương khiến Đấng Tạo Dựng nên các tầng trời ngự xuống giữa chúng ta, và khiến Đấng Tạo Dựng nên trái đất này mặc lấy thân xác chết chóc của chúng ta chứ? Cũng chính tình thương ấy đã khiến cho Vị Chúa này của thế giới mặc lấy bản tính của một người tôi tớ, để tự mình là bánh, Người muốn chịu đói; tự mình thỏa thuê, Người muốn chịu khát; tự mình quyền năng, Người cảm thấy yếu hèn; tự mình là ơn cứu độ, Người muốn cảm thấy được thương tích của chúng ta, và tự mình là sự sống, Người muốn chết đi. Người làm tất cả những điều ấy để làm dịu đi cái đói của chúng ta, làm nhẹ bớt niềm trông mong của chúng ta, để kiên cường nỗi yếu hèn của chúng ta, để tẩy xóa tội lỗi của chúng ta và để thắp lên đức bác ái của chúng ta" (Thánh Âu Quốc Tinh: Sermo CCVII, 1 [PL 38, 1042]).   

Một trong những cảm nghiệm sâu xa thấm thía nhất về mầu nhiệm nhập thể và giáng sinh có thể nói là chính yếu và tiêu biểu nhất của Công Đồng Chung Vaticanô II, đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một triết gia về nhân bản, trích dẫn phải nói là nhiều nhất đó là câu sau đây trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội "Vui Mừng và Hy Vọng - Gaudium et Spes", đoạn 22:  

"Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Bởi vì Adam con người đầu tiên đã là hình bóng của Adam sẽ đến, là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ... Là 'hình ảnh của Thiên Chúa vô hình' (Col 1,15), chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của Adam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Bởi vì nơi Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, do đó chính nơi chúng ta nữa bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi".